Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Thứ tư - 11/11/2015 14:11
Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng đang xuất hiện và có chiều hướng gia tăng tại một số tỉnh thành trong cả nước. Ở tỉnh ta chỉ mới có ca bệnh riêng lẻ, chưa xuất hiện dịch bệnh, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan, bởi theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 5 đến tháng 9 là những tháng cao điểm mà bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát.

 

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đường ruột nhóm Enterovirus gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ (do virus ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc...). Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh thường diễn biến trong khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 187 trường hợp nghi mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu ở các huyện như Bắc Quang, Quang Bình, Yên Minh và thành phố Hà Giang. Các ca bệnh rải rác, không tập trung thành ổ dịch và toàn tỉnh cũng chưa ghi nhận một trường hợp nào bị tử vong do bệnh tay chân miệng. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được các đơn vị trong ngành Y tế chủ động thực hiện theo nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị.

Trao đổi với chúng tôi Thạc sỹ Nguyễn Trần Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, trong thời gian qua, để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trung tâm đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Thực hiện công tác thông tin báo cáo giám sát ca bệnh hàng ngày. Chuẩn bị vật tư, hóa chất sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới xử lý ổ dịch khi bùng phát tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học,...

Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh tay chân miệng nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn: Điều kiện địa lý phức tạp, đời sống kinh tế còn nhiều thiếu thốn, ý thức về vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, nhất là việc giữ vệ sinh cá nhân đã khiến cho dịch bệnh lây lan rộng hơn. Mặt khác tỷ lệ ca bệnh ở thể nhẹ nhiều nên dễ bỏ sót trong hoạt động giám sát. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và đào tạo với ngành Y tế đôi lúc chưa chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai các biện pháp chủ động phòng chống và giám sát phát hiện những ca bệnh đầu tiên; Một số địa phương chưa dành kinh phí cho hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng... Những yếu tố đó đã gây ảnh hưởng tới công tác phòng chống bệnh tay chân miệng nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung.

Như chúng ta đã biết, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm, nhưng có thể phòng tránh và chữa khỏi nếu người bị bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm vi rút và mắc bệnh cao hơn vì khả năng đề kháng và miễn dịch của các em yếu hơn người lớn. Do vậy các trường học và đặc biệt các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình và các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt các nội dung sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; Các gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ để kịp thời phát hiện, điều trị các trường hợp mắc bệnh; Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Bệnh tay chân miệng, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh – khử khuẩn môi trường (sàn nhà, đồ đạc, vật dụng thường có tiếp xúc với bàn tay). Đây tuy không phải là những biện pháp đặc hiệu nhưng lại có hiệu quả trong việc phòng tránh và hạn chế bệnh tay chân miệng nếu được làm đều đặn, thường xuyên và đúng cách.

 

Nguồn tin: ST

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào để thanh toán các khoản phí quy định của nhà trường?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,178
  • Tháng hiện tại26,087
  • Tổng lượt truy cập1,441,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây