Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 (tiếp theo)

Thứ sáu - 07/10/2016 11:36

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 (tiếp theo)

Thư viện giới thiệu sách "Thế giới cây xanh quanh ta"

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH

                         THẾ GIỚI CÂY XANH QUANH TA

 

    Chào các em, cô trò mình lại gặp nhau trong buổi giới thiệu sách hôm nay.

     Các em có biết không? Trong cuộc sống của chúng ta, cây xanh có vai trò rất quan trọng, nó có thể giúp con người có củi để đun nấu, có gỗ để làm nhà, làm tàu bè, … nhưng quan trọng nhất cây xanh chính là những “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu vì vậy dù ở bất cứ nơi đâu: từ những khu rừng rộng lớn, những con đường phố sạch đẹp đến cả trong lớp học, phòng ăn, phòng ngủ,… mọi người đều trồng cây xanh. Vì thế mà việc trồng cây xanh cũng là một tiêu chí để “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cây xanh rất gần gũi với chúng ta như thế nhưng có bao giờ các em thử quan sát và tìm hiểu xem: cây xanh gồm có những bộ phận nào? Vì sao cây lớn lên được? Hay vì sao cây phượng lại to còn cây hoa hồng lại nhỏ?... Còn bao nhiêu câu hỏi “Vì sao?” mà có lẽ các em chưa được trả lời phải không nào? Hôm nay cô sẽ giới thiệu đến các em cuốn sách “Thế giới cây xanh quanh ta” Tập một: đời sống cây xanh có hoa để giúp các em phần nào trả lời được những câu hỏi đó.

    Các em hãy nhìn cuốn sách nhỏ này: Bìa cuốn sách được thiết kế với màu chủ đạo là màu xanh non tươi mát, điểm nhấn là bức ảnh cành lá non xanh và những bông hoa vàng tươi vừa mới nở. Giữa bìa là tên tác phẩm THẾ GIỚI CÂY XANH QUANH TA nổi bật trên nền trắng tinh khôi.

   Cuốn sách được GS-TSKH Phan Nguyên Hồng và nhóm tác giả viết để tham dự Cuộc thi viết sách bài tập và sách tham khảo của Bộ GD & ĐT, Sách được tái bản lần thứ hai năm 2006 với 3000 bản, khổ 17 x 24cm. Cuốn sách vừa đúng 100 trang với nhiều hình ảnh in màu sống động giúp các em dễ dàng quan sát và tìm hiểu. Sách được chia làm 6 phần giới thiệu lần lượt từng bộ phận của cây, gồm:

  • Tế bào thực vật: gồm 7 trang bắt đầu từ trang 7 đến hết trang 13
  •  Rễ: : gồm 12 trang bắt đầu từ trang 14 đến hết trang 25
  •  Thân: gồm 17 trang bắt đầu từ trang 26 đến hết trang 42
  •  : gồm 22 trang bắt đầu từ trang 43 đến hết trang 64
  •  Sinh sản sinh dưỡng: gồm 4 trang bắt đầu từ trang 65 đến hết trang 68
  •  Hoa và sinh sản hữu tính: gồm 26 trang bắt đầu từ trang 69 đến hết trang 94.

  Lật mở trang đầu tiên của cuốn sách là Lới nói đầu của tác giả, bên cạnh là hình ảnh những thác nước xối từ trên cao xuống qua từng bậc đá làm nước tung trắng xóa cả một vùng, xung quanh cây cối xanh um tạo nên một bức tranh thơ mộng với cảm giác rất mát mẻ.

     Bây giờ chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu từng phần của cuốn sách nhé!

    Phần I: Tế bào thực vật:  là đơn vị cấu tạo cơ bản của cơ thể sống, có nghĩa là những bô phận nhỏ nhất gắn kết với nhau tạo thành các phần của cây. Các tế bào có cấu tạo rất nhỏ, chúng ta không thể nhìn thấy được bằng mắt thường nên các nhà khoa học phải dùng kính hiển vi phóng ta chúng lên gấp hàng chục nghìn lần mới có thể quan sát được. Tế bào thực vật tuy rất nhỏ nhưng không có chúng thì không thể có cây xanh đươc và từ một vài tế bào rất nhỏ ấy các nhà khoa học có thể tạo ra một cây mới đấy. Con người chúng ta hoạt động được là nhờ bộ não điều khiển còn tế bào của thực vật thì sao? Bộ chỉ huy của chúng nằm ở đâu? Để giải được câu hỏi này các em hãy tìm đọc ở trang 13 của cuốn sách nhé!

   Phần II: Rễ: Khi quan sát một cây, ta chỉ nhìn thấy phần thân lá phía trên, mà chưa hình dung hết phần rễ nằm trong đất. Một rễ cây tìm nước cũng như một con vật tìm mồi, chỉ khi nào tìm thấy nước, rễ cây mới chịu dừng lại ở đó. Bộ rễ của cây trồng hút nước và các chất khoáng trong lòng đất đưa lên lá, nhờ ánh sang mặt trời, lá quang hợp tạo ra các chất để nuôi cây.

   Khi đi dạo trong rừng ầm, nhiều hơi nước, cây cối rậm rạp che bong, ít ánh sang mặt trời, nhìn lên thân các cây cao, ta thấy cây phong lan mọc trên vỏ các thân cây đó. Dạo quanh các vườn trồng phong lan ta cũng thấy tương tự. Nhìn lên các cành cao trên cây xoài, cây mít,… trong vườn ta thấy cây tầm gửi xanh um đang đeo bám trên đó. Hay những dây tơ hồng vàng óng nằm ngay trên bờ rào cây râm bụt thật đẹp,… Những cây đó không có rễ bám vào lòng đất để hút nước và chất khoáng. Vậy làm sao chúng có thể sống được? Còn đối với cây củ mài, cây sắn dây, hay cây tóc tiên,…rễ của chúng là đâu? Để hiểu được, các em tìm đọc từ trang14 đến hết trang 25 nhé!

   Phần III: Thân: Khác với con người và động vật, đa số thực vật không chuyển động ra khỏi nơi sống, nhưng cây vẫn cử động và cảm ứng với môi trường. Nếu ta để một hạt cây ở tư thế nào, khi nảy mầm rễ cây luôn hướng xuống đất còn thân cây lại hướng lên trời. Cây luôn cử động vươn về phía có ánh sáng mặt trời còn rễ thì ngược lại. Thân cây cũng có trật tự đấy các em nhé! Nó được chia thành nhiều phần và cũng có đầu, có cuối. Thân cây cũng rất đa dạng: Có những cây thân gỗ vươn thẳng rất dễ dàng; còn những cây có dạng dây leo như cây gấc, cây cam thảo dây, cây cà gai,…làm thế nào chúng leo lên tận chiếc giàn trên cao được? Rồi cây gạo hay cây đại này nữa, tại sao lại có những cái u bướu kì lạ thế? Có phải là cây đang bị bệnh? Còn cây nghệ đen, cây rẻ quạt, cây thảo quả hay cây địa liền,.. thân của chúng là đâu? Các em hãy tìm đọc từ trang 26 đến trang 40 nhé! Trang 40 và 41 qua lời tâm sự của các các loài cây mọng nước các em sẽ biết được vì sao cây xương rồng lại sống được ở vùng khô han? Hay cây bóng nước vì sao lại mọc ở các hốc đá.

     Phần IV: Lá: Cây xanh được xem là một nhà máy sống của thiên nhiên vì nó sinh ra, lớn lên hàng ngày hàng năm,hoạt động chế tạo nên chất đường, đạm, mỡ,… để nuôi sống muôn loài. Lá cây cũng sắp xếp có trật tự và theo công thức. Ở phần trên các em đã biết rễ cây có nhiệm vụ hút nước và chất khoáng nhưng lá cây lại lấy phân bón nhanh hơn rễ đấy các em ạ! Ngoài ra ở một số loài cây lá còn có nhiệm vụ bắt và ăn con mồi nữa đấy, thật là kì điệu phải không các em? Cũng như con người, trong quá trình sống cây xanh cũng cần phải hô hấp, khi hô hấp cây xanh lấy vào cơ thể  khí oxi và thải ra khí cacbonic. Thế thì tại sao lại nói cây xanh là lá phổi điều hoà khí hậu? Đó là nhờ quá trình quang hợp của cây xanh. Vậy quá trình quang hợp là gì? Nó diễn ra như thế nào? Hay tại sao buổi sáng xung quanh lá cây lại có những giọt nước li ti? Còn cây xương rồng này sao lại không có lá? Rồi lá cây bắt mồi như thế nào?... Để biết được những điều đó các em hãy tìm đọc từ trang 43 đến trang 64 nhé!

   Phần V: Sinh sản sinh dưỡng: Chu kì sống của một cây được chia thành hai pha: pha sinh dưỡng là pha hình thành và phát triển rễ, thân, lá còn pha sinh sản là pha hình thành và phát triển cơ quan sinh sản hoa, quả, hạt.

  Chỉ 4 trang với nhiều hính ảnh, nhóm tác giả sẽ cho các em biết được chu kì sống của cây từ lúc mới nảy mầm cho đến khi ra hoa, kết quả và qua đó các em sẽ học được các cách gây giống cây nhanh chóng để trồng nhà hoặc ở lớp các em nhé!

   Phần V: Hoa và sinh sản hữu tính: Hoa chính là cơ quan sinh sản của các loài cây có hoa. Có loài hoa màu sắc sặc sỡ, cũng có những loài hoa rất đơn điệu. Có loài hoa rất lâu tàn như xương rồng, hoa bất tử,… cũng có những loài hoa rất mau tàn như hoa râm bụt, hoa mười giờ,…một số loài hoa lại nở vào ban đêm. Không giống như động vật, hoa không tự di chuyển được vậy làm thế nào hoa có thể thụ phấn để tạo thành quả? Rồi làm thế nào quả lại phát tán đi mọi nơi để mọc thành cây con? Đó là nhờ ong, bướm, các loài côn trùng và còn có cả gió, nước đã giúp chúng đấy các em ạ! Vậy ong, bướm, các loài côn trùng, gió và nước đã làm thế nào để giúp hoa thụ phấn và phát tán hạt đi mọi nơi? Từ trang 69 đến trang 94 của cuốn sách sẽ giúp các em trả lời câu hỏi ấy. Đọc phần này các em còn biết được âm thanh sẽ làm tăng tốc độ sinh trưởng của cây xanh đấy! Một số loài cây sẽ phát triển nhanh nếu được thường xuyên nghe nhạc giao hưởng, hay tiếng còi tàu, tiếng động cơ máy bay cũng kích thích sự phát triển của một số loài cây đấy! Thật là kì diệu phải không các em!

    Còn bao điều kì diệu mà các em chưa biết được, hãy đến thư viện của trường mình để đọc cuốn sách THẾ GIỚI CÂY XANH QUANH TA tập 1 đời sống cây xanh có hoa và tìm hiểu các em nhé!

   Chào các em!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào để thanh toán các khoản phí quy định của nhà trường?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay507
  • Tháng hiện tại37,559
  • Tổng lượt truy cập988,962
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây